Chương trình thiện nguyện “Ươm mầm tri thức – Thắp sáng tương lai”
Trong mỗi chúng ta, ai cũng mong muốn có được cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Nhưng đâu đó quanh ta vẫn còn nhiều những mảnh đời bất hạnh. Nỗi lo miếng cơm, manh áo hằng ngày luôn song hành với mơ ước đến trường tìm con chữ của trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Giữa những ngày dịch bệnh COVID – 19 vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng, việc tiếp cận con chữ của các em đồng bào càng trở nên khó khăn. Việc “cõng con chữ” đến với các em không chỉ là nỗi lo và gánh nặng của riêng các bậc phụ huynh mà còn là trăn trở và đau đáu của giáo viên nơi đây.
Trường tiểu học Bi Năng Tắc thuộc địa bàn xã Đăk Gằn huyện Đăk Mil – Trường tiểu học duy nhất đóng chân trên địa bàn xã gồm 10 thôn, 04 bon và 01 bản; cùng 13 dân tộc anh em sinh sống nơi đây gồm dân tộc M’Nông, dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái… Chính vì vậy, Trường Tiểu Học Bi Năng Tắc thuộc diện một trong những trường khó khăn nhất của huyện Đăk Mil.
Sau khi nhận được Thư ngỏ của cô Hiệu trưởng trường tiểu học Bi Năng Tắc và duyên lành kết nối với cô Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Đình Phùng, Quỹ Rùa Vàng đã phát động chương trình “Ươm mầm tri thức – Thắp sáng tương lai”.
Thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn của các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ và động viên các em tiếp bước đến trường, đến gần hơn với con chữ hy vọng có một tương lai tốt đẹp với các em.
Chính vì lý do đó Quỹ Rùa Vàng đã ra đời nhằm “Ươm mầm” ước mơ của bao thế hệ học trò trên con đường đến với kho tàng tri thức.
Quỹ thiện nguyện được phát động nội bộ đã thu hút được 100% cán bộ nhân viên, các Mạnh Thường Quân – Khách hàng thân thiết và các nhà cung cấp hảo tâm cùng tham gia ủng hộ với số tiền quyên góp lên đến 130,000,000 đồng tương đương với 700 suất quà bao gồm một bộ đồng phục (quần xanh áo trắng đối với Nam, váy đối với Nữ) cùng một balo là hành trang “cõng chữ vượt ngàn”.
20h00 ngày 27/03/2022, tập thể nhân viên Đại Điền Hưng Real Estate cùng các tình nguyện viên có mặt tại trụ sở văn phòng Công ty tại số 196 DT769, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để chuẩn bị cho những khâu cuối cùng cho chuyến hành trình.
Các tình nguyện viên ai nấy cũng đều háo hức, chủ động cho công việc của mình. Người gói quà, người chuẩn bị máy móc để ghi lại những hình ảnh mà có lẽ suốt cuộc đời này sẽ là món quà hạnh phúc của mỗi cá nhân.
Xe đón đoàn lúc 8 giờ 30 phút để di chuyển đến địa điểm vận đặt 700 suất quà. Mỗi người một tay, khâu vận chuyển quà lên xe nhanh chóng được hoàn thiện.
Hơn 15 tình nguyện viên đã sắp xếp đủ số lượng quà lên xe 29 chỗ. Nhưng số lượng quà đã lấp đầy chỗ ngồi, cả đoàn cười lớn, tìm cho mình một vị trí nằm thoải mái nhất và chuyến hành trình bắt đầu.
Xe lăn bánh lúc 9 giờ tối Chủ nhật, không khí háo hức của chuyến đi len lỏi trong lời ca tiếng hát của tất cả thành viên trong đoàn. Ai cũng tươi vui, ánh mắt lúng liếng nhìn nhau hát vang bài ca “Áo trắng em đến trường” gửi tặng các bé và thầy cô nơi đây.
Mọi người thấm mệt và chợp mắt nghỉ ngơi. Miền đất của núi rừng ngút ngàn, sương đêm đọng trên cửa sổ, nhiệt độ bắt đầu thấp dần, đêm chìm dần vào ánh sáng đèn đường mờ ảo.
4 giờ 30 phút sáng thứ Hai, đoàn đã đến nơi. Mưa gột rửa đất trời, không khí mát lành thẩm thấu vào da thịt.
“Đêm qua cơn lốc xoáy quét qua vùng, một cây gốc lớn đã bị quật đổ ngang đường, đường dây điện bị đứt, khiến cho khu vực bị mất điện” – Mẹ Lam nói với đoàn.
Lam là cô gái tình nguyện viên tiếp theo của đoàn tại vùng đất Đăk Nông, Lam là người đã kết nối phía Công ty và các cô hiệu trưởng nơi đây.
Giá trị Đại Điền Hưng luôn muốn theo đuổi đó là sự biết ơn, “Lá rụng về cội, sông hướng về nguồn” chính vì vậy chúng tôi đã nhanh chóng đón nhận duyên lành để đến với các em và quý thầy cô giáo còn nhiều khó khăn nơi đây.
Hai mẹ con loay hoay chuẩn bị cho đoàn nồi cháo – gỏi gà thơm phức còn nghi ngút khói. Anh chị em rửa mặt cho tỉnh táo, mời bác tài vào cùng ăn sáng và nghỉ ngơi.
45 phút sau đó mọi người đã ăn sáng và vệ sinh cá nhân xong, mặt trời đã ửng đỏ cả một vùng, tiếng chim hót lảnh lót, gà trống gáy đánh thức buôn làng, khu chợ sát nhà Lam đã bắt đầu tấp nập người mua, kẻ bán. Khung cảnh ấm áp đến lạ.
Đoàn di chuyển về chiếc xe màu cam nghĩa tình để chụp những bức hình lưu niệm đầu tiên. Xe lưng chừng dốc, chốc chốc lại có những em học sinh đi bộ đến trường từ sớm vì nhà xa, hiếu kỳ nhìn chúng tôi, ánh mắt còn dè dặt.
Trường tiểu học Bi Năng Tắc cách nhà Lam một vài bước chân. Minh ra hiệu cho toàn đoàn di chuyển nhanh để hoàn tất khâu chuẩn bị cho chương trình.
Đoàn chia ra hai tốp, một tốp phụ các em học sinh và các giáo viên chủ nhiệm quét dọn lại sân trường vì đêm qua mưa lớn, tốp còn lại vận chuyển và sắp xếp 700 suất quà dưới chân sân khấu. Đại diện đoàn gặp gỡ Thầy hiệu phó và trao đổi về khung sườn chương trình. Brackdrop và nhạc đã sẵn sàng.
Học sinh ùa ra như đàn ong vỡ tổ. Từng khối lớp ngồi ngay ngắn thẳng hàng gương mặt nửa hồ hởi, nửa tò mò.
Anh dẫn chương trình tổ chức một vài trò chơi ngắn khởi động. Các em chào đón đoàn bằng một tiết mục nhảy “Hành tinh xanh” vô cùng xuất sắc và tự tin. Cả trường không ngớt những tràng pháo tay.
Cô Hoàng Thị Thủy – hiệu trưởng ra bắt tay các anh, chị, em trong đoàn rồi tiến lên phát biểu, sau đó là phát biểu của Giám đốc Công ty và phần chia sẻ cảm xúc của cựu học sinh – Thanh Lam.
Anh dẫn chương trình giới thiệu tiết mục tiếp theo là món quà tinh thần của anh, chị, em trong đoàn gửi tặng đến quý thầy cô cùng toàn thể các em. “Cho các cô chú thấy cánh tay của các con đi nào” – Minh hô vang sau tiếng nhạc dạo.
Lời bài hát được tập thể anh em đồng ca “Áo trắng em đến trường cùng đàn chim ca rộn ràng”, bên dưới là biển cánh tay của các em khuấy động không khí thêm phần huyên náo. Cảnh tượng hạnh phúc đến vỡ òa. Các tình nguyện viên nhìn nhau mắt ánh lên niềm vui bất tận.
8 giờ sáng, trời đã bắt đầu chuyển nắng gắt. Anh dẫn chương trình mau chóng chuyển đến phần trao quà cho các em nhỏ.
Các cô chủ nhiệm hỗ trợ đoàn hướng dẫn từng khối lớp lên nhận quà. Từ câu dặn dò, từng cái vỗ vai, từng giọt mồ hôi lăn dài, tất cả chỉ mong các em có một tương lai tốt đẹp hơn nhờ có kiến thức: “Tụi con ráng học nghe”, “Có đồ mới, balo xinh các con siêng học, siêng đến lớp nha”, “Tụi con vui hông” tiếng anh, chị tình nguyện viên hỏi. “Dạ vui, con sẽ cố gắng ạ” kèm nụ cười rạng rỡ trên gương mặt lem luốc nhem nhẻm đen nhưng sáng rực lòng tin về một ngày mai tươi sáng.
Chương trình nhanh chóng kết thúc, số quà còn lại của các em học sinh khối chiều sẽ được nhà trường phát vào ngày mai. 30 suất quà còn lại sẽ được di chuyển thêm một đoạn xa để đến với trường tiểu học Phan Đình Phùng do cô Nguyễn Thị Hồng Thiệp làm hiệu trưởng.
Cô Thiệp và Cô Thủy là bạn rất thân với nhau từ thời sinh viên mới ra trường nhận làm giáo dục tại vùng cao. Lam chính là cô học trò nhỏ mà cô Thiệp đã từng giảng dạy và giúp đỡ rất nhiều.
Để mà nói ân tình của người lái đò, không thể bỏ qua câu chuyện này. Cô Thiệp và Cô Thủy đổi công tác quản lý hai trường cho nhau theo phân công của Phòng Giáo dục.
Có đoạn, Minh hỏi cô Thiệp: “Cô ơi, em thấy Lam có mong muốn nhờ đoàn về giúp trường lần này, thật ra em thấy, ở đó nơi đâu cũng còn khó khăn, thì cô Thiệp giảng dạy ở đâu em sẽ nói đoàn hỗ trợ ở trường đó cũng được ạ”.
Cô Thiệp cười rồi vui vẻ trả lời qua điện thoại “Em này, cô là người làm giáo dục, cô hiểu việc mang cái tình, cái nghĩa và sự biết ơn về lại ngôi trường mình từng theo học và lớn lên mới thực sự có ý nghĩa. Uống nước thì phải nhớ nguồn em ạ, đó mới là cái cô và cô Thủy mong muốn. Đoàn giúp được quê hương của Lam bao nhiêu, cô đều quý và trân trọng cả”.
Minh ngầm hiểu nguyện vọng của cô Thiệp nên đã chủ động liên hệ với cô Thủy để hoàn tất toàn bộ chương trình và vẫn xin thêm với quý Mạnh Thường Quân 30 suất quà tri ân cho các bé học sinh nghèo vượt khó của trường cô Thiệp. Quý quá, bài học lớn của cuộc đời.
Đoàn chúng tôi có ghé vào phòng cô Thủy hiệu trưởng để các anh chị em tình nguyện viên hiểu thêm về nhà trường cũng như thói quen văn hóa của bà con đồng bào nơi đây.
Cô Thiệp đứng lên giới thiệu về Tỉnh Đăk Nông. Đăk Nông theo tiếng M’Nông có nghĩa là Nước (đất) của người M’Nông. Đồng bào nơi đây đa phần sinh sống quanh các mạch nước để thuận tiện cho phát triển nông nghiệp, trồng cây ăn trái dài ngày.
Xã Đăk Gằn có chữ Đăk trong nghĩa Nước còn Gằn trong nghĩa gập ghềnh của thác đá dẫn đến khá khó khăn trong việc dẫn nguồn nước về nơi đây để phục vụ cho đời sống và sản xuất.
Do cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc chú trọng vào học tập của phụ huynh với con em còn chưa cao. Một số học sinh ý thức việc đến trường còn thấp.
Để giúp các em duy trì con chữ, hàng ngày, hàng tuần thầy cô phải đến tận buôn, vào tận nhà để vận động.
Những hôm mưa, các em đến trường với bộ quần áo lấm lem bùn đất, người ướt sũng, run lẩy bẩy. Mặt các em tái nhợt, tay chân khô cứng vì lạnh. Có em còn không có dép để đến trường, nhận được quà của quý Mạnh Thường Quân các em quý lắm.
Trước cái khó, cái khổ của bà con, chúng tôi chỉ biết giao con chữ để thay đổi tương lai mù mịt như màn sương kia. Nghề nào cũng thế, không phải lúc nào cũng suôn sẻ cả. Khi đã yêu và xác định theo nghề thì phải luôn cố gắng, động viên lẫn nhau. Tình yêu nghề, yêu các em nhỏ nơi đây đủ giúp anh chị em giáo viên vượt qua tất cả – Cô nói.
Chúng tôi như hiểu thêm công việc nhỏ bé của chúng tôi có sức mạnh thế nào đối với giáo dục nơi đây nói riêng và ươm mầm tài năng cho tỉnh nhà nói chung.
Mỗi anh em dặn nhau thêm cố gắng để những chuyến đi thiện nguyện mãi là hành trang tuổi thanh xuân lan tỏa yêu thương mà đoàn có được với nhau, với cuộc đời này.
Câu thơ cô Thiệp hiệu trưởng gửi tặng đoàn vang vọng mãi trong lòng chúng tôi:
“Ai ơi đừng để lòng nguội lạnh
Trái tim yêu trải khắp nẻo đường
Khi cho đi là còn mãi mãi
Để cuộc đời tác ý như mơ”